Nhằm nâng cao hiệu suất và tuổi thọ, các tấm pin mặt trời đã không ngừng được cải tiến về mặt công nghệ. Từ công nghệ Full-Cells truyền thống, các nhà sản xuất đã tạo ra công nghệ Half-Cells để mang đến những tấm pin mặt trời tốt hơn nữa. Vậy công nghệ Half-Cells là gì? Nó khác gì so với công nghệ pin truyền thống? Đọc ngay bài viết dưới đây để giải đáp cho mình bạn nhé!
Công nghệ Half-Cells là gì? Full-Cells là gì?
Full-Cells là công nghệ pin mặt trời truyền thống. Mỗi một tấm pin truyền thống sẽ được tạo thành từ 60 hoặc 72 cell pin.
Half-Cells hay còn gọi là Half-cut cells, là công nghệ pin mặt trời cắt nửa. Công nghệ này được ra đời từ năm 2014, chúng được tạo ra bằng việc cắt đôi các cell pin truyền thống bằng máy cắt laser. Do đó, mỗi tấm pin Half-Cells sẽ có số cell tương ứng là 120 hoặc 144 cell pin.
Nhìn bằng mắt thường, bạn có thể dễ dàng phân biệt tấm pin Half-Cells và tấm pin Full-Cells.
- Tấm Full-Cells: Các cell pin có dạng hình vuông, kích thước mỗi cell là 6 x 6 inch.
- Tấm Half-Cells: Các cell pin có dạng hình chữ nhật, kích thước mỗi cell là 3 x 6 inch. Đồng thời, tấm pin sẽ được chia thành 2 phần đối xứng nhau, ngăn cách nhau bằng đường kẻ trắng.
» Xem thêm: Tổng hợp các công nghệ pin năng lượng mặt trời
Ưu điểm của công nghệ Half-Cells
So với công nghệ pin mặt trời tiêu chuẩn, công nghệ Half-Cells với thiết kế cắt nửa mang đến những lợi ích sau:
Khả năng tạo ra điện tốt hơn
Các tấm Half-Cells sở hữu số lượng cell pin nhiều gấp đôi Full-Cells, cho hiệu suất chuyển đổi cao hơn. Do đó, pin có thể tạo ra nhiều năng lượng hơn. Bên cạnh đó, các busbar cũng được thiết kế nhỏ hơn, giúp giảm tỷ lệ bị che bóng và nâng cao khả năng hấp thụ ánh sáng, chuyển đổi thành điện năng của pin.
Hiệu suất tốt trong điều kiện ánh sáng yếu
Cũng do thiết kế số lượng cell pin nhiều hơn nên các tấm Half-cells có thể tạo ra nhiều năng lượng hơn kể cả trong điều kiện ánh sáng yếu.
Giảm tổn thất năng lượng
Các cell pin cắt nửa nên dòng điện chạy qua các busbar cũng giảm đi 1 nửa. Khi đó tổn thất điện năng sinh ra cũng sẽ giảm theo. Vì theo công thức tổn hao điện năng P= (I^2).R, khi dòng điện giảm một nửa thì tổn hao điện năng sẽ giảm 4 lần.
Giảm sự ảnh hưởng khi có cell pin bị che bóng
Đối với các tấm pin truyền thống công nghệ Full-cells, các cell pin sẽ được chia thành 3 dãy để làm giảm tỷ lệ ảnh hưởng khi có một hoặc 1 dãy cell pin bị che nắng. Bởi chỉ cần một cell pin bị che nắng, chúng cũng sẽ làm ảnh hưởng đến cả một dãy cell chứa nó.
Trong khi đó, đối với công nghệ Half-cells, các cell pin sẽ được chia thành 6 dãy. Khi đó, nếu 1 dãy cell bị che nắng thì công suất của cả tấm pin sẽ chỉ bị giảm 1/6 lần.
Tăng cường độ bền cho tấm pin
Các tấm Half-cells có các cell pin kích thước nhỏ hơn sẽ giúp làm giảm hiệu ứng cơ học lên tấm. Bởi khi tế bào quang điện càng nhỏ thì khả năng bị nứt vi mô của tấm pin sẽ càng ít. Do đó, chúng mang đến độ bền cao hơn so với các cell pin truyền thống.
Nhược điểm của công nghệ Half-cells
Mặc dù mang đến nhiều ưu điểm vượt trội nhưng công nghệ này vẫn tồn tại những hạn chế nhất định, bao gồm:
Chi phí sản xuất cao hơn
Vì các tấm pin Half-cells phải trải qua quy trình cắt nửa nên chúng sẽ tiêu tốn thêm nhiên liệu ở các đường cắt, đồng thời nhà sản xuất cũng phải trang bị thêm máy cắt laser.
Theo các nghiên cứu thì mỗi tấm pin Half-cells sẽ có giá thành cao hơn 0,6-1,2% so với tấm pin mặt trời truyền thống. Tuy nhiên, do hiệu suất tăng lên nên giá mỗi watt sẽ giảm 0,8-1%. Vì vậy mà việc chuyển sang công nghệ Half-cells vẫn sẽ lời hơn.
Tăng nguy cơ khuyết tật trong tế bào
Bởi việc sản xuất các tấm pin Half-cells phải cắt nửa nên sẽ làm tăng số mối hàn lên gấp đôi. Điều này cũng sẽ làm tăng nguy cơ lỗi trên các tế bào, gây bất lợi cho nhà sản xuất. Tuy nhiên, nếu nhà sản xuất kiểm soát được chất lượng thì cũng sẽ không bị ảnh hưởng bởi vấn đề này.
Có nên lựa chọn các tấm pin mặt trời Half-cell?
Các tấm pin mặt trời Half-cells giúp hệ thống điện mặt trời đạt được hiệu suất cao hơn, khi đó số lượng tấm pin cần lắp cũng sẽ ít đi. Vì vậy, mặc dù chi phí cho 1 tấm pin đắt lên nhưng số lượng tấm pin giảm thì khi đó chi phí đầu tư cũng không tăng. Ngược lại, bạn còn nhận được những lợi ích về tuổi thọ, độ bền cũng như hiệu suất khi hoạt động trong điều kiện thiếu nắng.
Đặc biệt, công nghệ Half-cells đã ngày càng phát triển, giúp việc sản xuất tấm pin ngày càng dễ dàng hơn, khiến chúng trở nên rẻ hơn và phổ biến trên thị trường. Nhờ đó mà chi phí đầu tư cho một hệ thống pin sẽ rẻ hơn rất nhiều. Điều này mang đến lợi ích lớn hơn cho nhà đầu tư.
Trên đây là tất cả các thông tin về công nghệ Half-cells bạn cần biết, hi vọng sẽ hữu ích với bạn. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào khác, bạn đọc có thể bình luận bên dưới website dienmattroivietnam.com, chúng tôi sẽ giải đáp sớm nhất cho bạn.