SUNEMIT – ĐIỆN MẶT TRỜI VIỆT NAM

Doanh nghiệp xanh là một khái niệm không còn mới trong những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang đe dọa trên toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải có sự chung tay của các doanh nghiệp để giảm thiểu lượng khí thải CO2 và góp phần xây dựng nền kinh tế bền vững. Vậy những cơ hội và thách thức đặt ra đối với doanh nghiệp xanh là gì? Tìm hiểu ngay trong bài viết sau bạn nhé!

Doanh nghiệp xanh là gì?

Doanh nghiệp xanh (Green Business) là các doanh nghiệp cam kết hoạt động theo nguyên tắc bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường. Các doanh nghiệp xanh thường tập trung vào việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, giảm thiểu chất thải, và tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm thiểu lượng khí thải carbon cũng như các chất thải gây ô nhiễm khác.

doanh nghiệp xanh

Lợi ích của việc trở thành doanh nghiệp xanh

Việc trở thành doanh nghiệp xanh giúp mang đến những lợi ích sau:

  • Lợi ích cho môi trường:

Các doanh nghiệp xanh đóng góp rất lớn trong việc giảm lượng khí thải nhà kính, giúp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Ví dụ như việc sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió, các doanh nghiệp có thể giảm đáng kể lượng điện tiêu thụ từ năng lượng hóa thạch, giúp bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.

  • Lợi ích cho doanh nghiệp:

Tiết kiệm chi phí vận hành: Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng và quy trình sản xuất sạch giúp các đơn vị giảm đáng kể chi phí vận hành.

Tăng uy tín và hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng: Vì người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường nên các doanh nghiệp xanh thường nhận được sự ủng hộ lớn từ người tiêu dùng.

Tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế: Đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang nước ngoài. Ví dụ như tại thị trường EU, hàng hóa nhập khẩu vào các nước này sẽ phải trải qua các tiêu chuẩn nghiêm ngặt liên quan đến quy trình sản xuất. Do đó, nếu đáp ứng tiêu chí này, các doanh nghiệp xanh có thể dễ dàng tiếp cận với những thị trường khó tính trên thế giới hơn.

Đáp ứng các quy định pháp lý và yêu cầu về bảo vệ môi trường: Giúp doanh nghiệp không phải lo về việc bị phạt do vượt quá lượng khí thải carbon được thải ra môi trường.

  • Lợi ích cho xã hội:

Tạo ra môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho nhân viên, khuyến khích văn hóa làm việc bảo vệ thiên nhiên và tiết kiệm tài nguyên. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường, thúc đẩy lối sống bền vững.

doanh nghiệp xanh là gì

Các bước để trở thành doanh nghiệp xanh

Để có thể trở thành 1 doanh nghiệp xanh, các doanh nghiệp cần quan tâm đến các yếu tố sau:

Sử dụng năng lượng tái tạo: Đây là điều kiện tiên quyết để trở thành 1 doanh nghiệp xanh. Việc đầu tư vào năng lượng mặt trời, gió, và các nguồn năng lượng sạch khác giúp các doanh nghiệp giảm đáng kể lượng khí carbon thải ra môi trường.

Tối ưu hóa quy trình sản xuất: Doanh nghiệp cần tập trung vào việc tối ưu hóa quy trình sản xuất. Bằng việc sử dụng các công nghệ hiện đại (giảm chất thải, tái sử dụng tài nguyên) cùng quy trình sản xuất khép kín sẽ giúp các doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn, giảm tiêu hao năng lượng, cũng như giảm lượng khí thải gây tác động xấu đến môi trường.

Sản phẩm và dịch vụ bền vững: Sản xuất các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Chẳng hạn như thiết kế các sản phẩm có tuổi thọ dài hơn, dễ tái chế, và sử dụng nguyên liệu xanh.

Xây dựng hệ sinh thái bền vững: Hợp tác với các doanh nghiệp có cùng cam kết về môi trường và tuân thủ các tiêu chuẩn xanh quốc tế.

Các doanh nghiệp xanh trên thế giới và Việt Nam

Trên thế giới

Các doanh nghiệp xanh nổi tiếng trên thế giới có thể kể đến như Tesla, với các sản phẩm ô tô điện và hệ thống năng lượng mặt trời. Ngoài ra có IKEA cũng đã áp dụng nhiều biện pháp xanh, như việc sử dụng gỗ tái chế trong các sản phẩm nội thất của mình hay việc vận hành các cửa hàng bằng năng lượng tái tạo…

Tại Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đang tăng tốc sử dụng công nghệ xanh cho doanh nghiệp của mình. Trong đó, nổi bật nhất là các tập đoàn lớn như Vingroup, Vinamilk, Tập đoàn FPT, Sun Group,…

Vingroup: Là tập đoàn đa ngành lớn tại Việt Nam, đi đầu trong lĩnh vực phát triển xe điện, giúp giảm lượng khí thải từ phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, Vingroup còn phát triển các hệ thống cảnh quan xanh, khu vực sinh thái, và hạ tầng tiết kiệm năng lượng…

Vinamilk: Là công ty sản xuất sữa hàng đầu Việt Nam, Vinamilk tích cực áp dụng các sáng kiến xanh trong hoạt động sản xuất và quản lý. Đầu tư vào các công nghệ hiện đại như sử dụng năng lượng mặt trời để tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải carbon. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn xây dựng hệ thống quản lý chất thải và xử lý nước thải giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tập đoàn FPT: Bên cạnh phát triển lĩnh vực công nghệ, FPT còn tập trung vào việc xây dựng các tòa nhà văn phòng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm điện năng. Bên cạnh đó, FPT cũng khuyến khích nhân viên thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường như giảm thiểu sử dụng nhựa, sử dụng các vật liệu có thể tái chế như giấy…

Tập đoàn Sun Group: Là một tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch và bất động sản, doanh nghiệp cũng hướng tới mô hình phát triển bền vững. Bằng cách sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường kết hợp với các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại các khu du lịch và resort, Sun Group giúp tạo ra những khu du lịch xanh, hài hòa với môi trường.

tiêu chí doanh nghiệp xanh

Thách thức trong việc trở thành doanh nghiệp xanh

Những khó khăn cũng như rào cản khiến các doanh nghiệp khó trở thành doanh nghiệp xanh là gì?

Chi phí đầu tư ban đầu cao: Đây là một thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp muốn chuyển đổi sang mô hình xanh. Do việc đầu tư vào các công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng thường đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần nhìn nhận đây là một khoản đầu tư dài hạn, không chỉ mang đến lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành mà còn tăng cường sự tin tưởng trong mắt khách hàng

Khó khăn về nguồn nhân lực: Việc chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp xanh thường đòi hỏi các công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất mới, do đó doanh nghiệp cần đào tạo nhân lực để đáp ứng các yêu cầu đặt ra, đảm bảo có kiến thức và kỹ năng tốt để ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả.

Thay đổi văn hóa doanh nghiệp: Quá trình thay đổi văn hóa doanh nghiệp từ truyền thống sang doanh nghiệp xanh thường cần 1 thời gian dài, do phải thay đổi từ cách thức sản xuất cho đến chiến lược kinh doanh. Cùng với đó, cần có sự cam kết của ban lãnh đạo và sự đồng thuận của toàn bộ nhân viên.

Như vậy có thể thấy, việc trở thành doanh nghiệp xanh không chỉ mang đến những lợi ích, cơ hội mới cho doanh nghiệp, mà còn đặt ra thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp phải vượt qua. Tuy nhiên trong bối cảnh toàn cầu đang ngày càng quan tâm đến môi trường, doanh nghiệp xanh đã không còn là một lựa chọn, mà đó là xu hướng tất yếu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải bắt kịp và tuân theo.