Công nghệ pin năng lượng mặt trời là yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu suất, tuổi thọ và giá thành của các tấm pin mặt trời. Do đó, các nhà khoa học đã không ngừng cải tiến để tìm ra công nghệ sản xuất pin mặt trời tốt nhất. Tính đến nay, đã có rất nhiều các công nghệ pin mặt trời được ra đời. Để tìm hiểu về các công nghệ tấm pin này, hãy cùng chúng tôi đọc ngay bài viết sau nhé!
Công nghệ pin ảnh hưởng đến hiệu suất tấm pin như thế nào?
Hiệu suất của các tấm pin ảnh hưởng lớn đến hiệu suất của cả một hệ thống điện mặt trời. Vậy điều gì tác động đến hiệu suất của mỗi tấm pin? Đó chính là công nghệ sản xuất ra các tấm pin mặt trời. Trong đó, công nghệ sản xuất pin mặt trời lại chia thành 2 trường hợp là thiết kế cấu trúc tế bào quang điện và loại silicon sử dụng để chế tạo pin.
- Về cấu trúc tế bào quang điện, công nghệ pin năng lượng mặt trời được phân thành các loại là: công nghệ PERC, Half-cut cell, công nghệ Shingled, công nghệ MBB, IBC, TOPcon, HJT…
- Về loại silicon, công nghệ pin mặt trời gồm 2 loại là: công nghệ tấm pin Mono (được chế tạo từ silicon đơn tinh thể) và công nghệ tấm pin Poly (được chế tạo từ silicon đa tinh thể).
Mỗi công nghệ sản xuất pin khác nhau sẽ tạo ra các tấm pin mặt trời khác nhau. Chúng khác nhau về hiệu suất, tuổi thọ và giá thành. Tuy nhiên mục đích chung của tất cả các công nghệ đó là đều nhằm cải thiện hiệu quả chuyển đổi điện, gia tăng tuổi thọ và giảm giá thành sản xuất các tấm pin.
Tổng hợp các công nghệ pin năng lượng mặt trời mới nhất
Với sự bùng nổ của ngành năng lượng mặt trời trong những năm gần đây, rất nhiều công nghệ pin mặt trời đã được ra đời nhằm cải thiện hiệu suất, tuổi thọ và giá thành. Dưới đây là một số công nghệ được ưa chuộng nhất hiện nay.
Công nghệ PERC
PERC là công nghệ được nhiều nhà sản xuất ưa chuộng trong những năm gần đây. Khác với công nghệ pin mặt trời truyền thống, các tấm pin công nghệ PERC có thêm một lớp bổ sung ở mặt sau. Lớp này có tác dụng phản xạ lại ánh sáng chiếu xuyên qua. Giúp tăng khả năng hấp thụ ánh sáng và cải thiện hiệu suất quang điện.
Công nghệ Half-cut cell
Đây là công nghệ đã được nhiều nhà sản xuất chuyển sang sử dụng trong những năm qua. Thay vì các cell pin truyền thống có dạng ô vuông thì công nghệ Half-cut cell sẽ cắt các cell pin thành 2 ô hình chữ nhật. Thiết kế này mang đến nhiều lợi ích gồm:
- Tăng hiệu suất hoạt động của pin do tổn thất điện năng qua thanh cái thấp hơn (vì thanh cái được làm nhỏ hơn và dòng điện qua thanh cái giảm 1 nửa).
- Giảm ảnh hưởng của mỗi cell pin lên cả một tấm pin. Vì công nghệ half-cell cắt tấm pin thành 2 nửa nên khi có 1 dãy cell pin bị che bóng thì dãy còn lại vẫn hoạt động và tạo ra điện năng. Điều này giúp tấm pin half-cell chỉ bị giảm 1 nửa công suất so với tỷ lệ giảm của công nghệ pin truyền thống.
Công nghệ Shingled
Là công nghệ mới nổi, sử dụng các tế bào quang điện mỏng chồng lên nhau (kết cấu hình ván lợp). Các cell pin này thường được tạo thành từ việc cắt laser một cell pin tiêu chuẩn thành 5 hoặc 6 dải. Các cell pin sẽ được chồng chéo lên nhau và che đi 1 busbar duy nhất. Điều này làm tăng độ phủ của các tế bào quang điện, giúp làm tăng hiệu suất hoạt động của cả giàn pin.
Công nghệ MBB (Multi Busbar)
Multi Busbar là công nghệ nhiều thanh cái (các vệt kim loại trên tấm pin có chức năng truyền tải điện). Mỗi tấm pin mặt trời được tạo thành từ nhiều ô (cell pin). Mỗi cell pin sẽ gồm các thanh cái và các đường dây nhỏ tạo thành một mạng lưới để thu thập dòng điện DC tạo ra từ tấm pin.
Ở công nghệ này, thanh cái sẽ được tăng lên từ số lượng tiêu chuẩn là 4 hoặc 5 lên thành 9 thanh cái trở lên. Việc trang bị nhiều thanh cái hơn sẽ có lợi khi xảy ra các vết nứt nhỏ trong tế bào do va chạm hoặc do người đi lên tấm pin. Giúp giảm nguy cơ các vết nứt phát triển thành các điểm nóng làm giảm hiệu suất hoạt động của tấm pin.
Công nghệ IBC
Công nghệ này đặc biệt hơn các công nghệ thông thường là không còn thanh Busbars ở mặt trước cell pin. Thay vào đó, các cell pin sẽ tích hợp hơn 30 dây dẫn vào mặt sau của cell. Điều này tránh được hiện tượng các busbar làm che đi một phần tế bào và làm giảm hiệu suất của các tấm pin mặt trời. Ngoài ra, thiết kế này cũng giúp tấm pin trở nên đẹp và thẩm mỹ hơn.
Công nghệ TOPcon
Là công nghệ cấu trúc tế bào silicon loại N. Công nghệ TOPcon bổ sung thêm một lớp TOPcon siêu mỏng giúp ngăn ngừa sự rò rỉ và tái kết hợp của các electron trở lại silicon mà không tạo thành dòng điện. Việc thêm lớp TOPcon tuy làm tăng mức chi phí rất nhỏ trong quá trình sản xuất nhưng đã giúp làm giảm đáng kể một số tổn thất trong pin mặt trời.
Công nghệ HJT
Công nghệ HJT hay còn gọi là công nghệ tế bào dị thể. Công nghệ này sử dụng chất nền silicon tinh thể thông thường, kết hợp với các lớp silicon vô định hình siêu mỏng ở hai bên tạo thành các tế bào dị thể. Các lớp silicon vô định hình được bổ sung giúp làm giảm hiện tượng tái tổ hợp ở điểm nối NP, từ đó giúp làm giảm tổn thất và gia tăng hiệu quả hoạt động của các tế bào quang điện.
Như vậy, với những tiến bộ trong công nghệ pin năng lượng mặt trời, các sản phẩm pin năng lượng đã ngày càng trở nên hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường hơn. Do đó, khi đầu tư vào hệ thống điện mặt trời, khách hàng có thể nhận được lợi ích tối ưu, nhanh chóng thu hồi vốn và thu về lợi nhuận sớm nhất.
Vì vậy đừng quên theo dõi dienmattroivietnam.com để cập nhật những công nghệ pin mặt trời mới nhất bạn nhé!