SUNEMIT – ĐIỆN MẶT TRỜI VIỆT NAM

Công nghệ sản xuất pin mặt trời ngày càng đa dạng để mang đến hiệu suất, tuổi thọ và giá thành tốt hơn cho các tấm pin mặt trời. Trong đó nổi bật là công nghệ IBC cell. Vậy công nghệ IBC mang đến lợi ích gì? Có nên sử dụng các tấm pin mặt trời IBC không? Mọi thắc mắc sẽ được chúng tôi giải đáp trong bài viết dưới đây, mời bạn đọc cùng theo dõi.

Công nghệ IBC cell là gì?

Công nghệ pin mặt trời IBC (Interdigitated Back Contact -Tiếp xúc mặt sau xen kẽ) là công nghệ đưa toàn bộ các tiếp điểm kim loại (cả dương và âm) đặt ở mặt sau của cell pin thay vì ở mặt trước. Mục đích của thiết kế này là để tránh hiện tượng che bóng từ các đường dẫn kim loại gây suy giảm hiệu suất cho tấm pin mặt trời.

 IBC cell

Công nghệ này được coi là một bước tiến so với các công nghệ pin mặt trời truyền thống như PERC, giúp mang đến hiệu suất cao hơn, đạt 26.7% so với công nghệ PERC là 25.4%.

Cấu trúc của pin mặt trời IBC

Vẫn có cấu trúc tương tự các tấm pin mặt trời truyền thống, tuy nhiên công nghệ IBC chuyển đổi vị trí của các đường dẫn kim loại ở mặt trước về mặt sau của tế bào quang điện, giúp loại bỏ bóng râm do thanh cái (busbar) gây ra.

Theo đó, Lớp chính của pin mặt trời IBC vẫn là các tấm wafer c-Si loại n hoặc loại p có chức năng hấp thụ ánh sáng. Lớp này được sản xuất bằng cách pha tạp c-Si với boron hoặc photpho. Nếu pha tạp với boron thì tạo ra tấm wafer c-Si loại p, còn pha tạp với photpho thì tạo tấm wafer c-Si loại N.

Sau đó, các lớp phủ chống phản xạ và thụ động sẽ được thêm vào 1 hoặc 2 mặt của tấm pin mặt trời. Lớp phủ này thường được làm từ silic đioxit.

Tiếp đến là lớp khuếch tán được đặt ở mặt sau. Đây là lớp bán dẫn bao gồm chất bán dẫn loại n (âm) và loại p (dương) được đặt xen kẽ nhau, giúp duy trì dòng điện liên tục giữa các vùng khi ánh sáng tạo ra điện tích trong cell, cho phép dòng điện chuyển từ các vùng n sang p và ngược lại.

Cuối cùng, các tiếp điểm kim loại sẽ được đặt ở mặt sau của tế bào để mở ra khả năng tiếp xúc với ánh sáng lớn hơn cho tấm pin mặt trời IBC.

công nghệ IBC cell

Ưu điểm của công nghệ IBC cell

Giảm tổn thất do che bóng

Công nghệ IBC cell loại bỏ các đường dẫn kim loại ở mặt trước tế bào quang điện và chuyển sang mặt sau. Điều này giúp giảm hiện tượng che bóng từ busbar, tăng diện tích tiếp xúc với ánh sáng của tế bào quang điện, từ đó giúp cải thiện hiệu suất tổng thể cho tấm pin.

Giảm điện trở nối tiếp

Vì các tiếp điểm kim loại được đặt ở mặt sau tấm pin nên chúng không cản trở ánh sáng mặt trời (điện trở nối tiếp thấp), từ đó giúp dòng điện di chuyển nhanh hơn và giảm tổn thất điện năng.

Tăng công suất đầu ra trên mỗi mét vuông

Do các tấm pin IBC có hiệu suất cao hơn nên mỗi cell của nó có thể tạo ra nhiều năng lượng hơn cell pin truyền thống với cùng 1 lượng ánh sáng mặt trời chiếu vào. Khi đó, tổng công suất của tấm pin sẽ tăng lên.

Ngoài ra, so với các tấm pin truyền thống có các cell cần được đặt cách nhau để tránh làm giảm hiệu suất do che bóng thì tấm pin IBC không cần thiết kế như vậy. Với các cell IBC, chúng được xếp sát nhau, loại bỏ khoảng trống giữa các cell để cải thiện công suất tấm pin trên mỗi đơn vị diện tích.

Hệ số nhiệt độ thấp

Với cải tiến về vật liệu và cấu trúc tế bào, công nghệ IBC cell cũng đạt được hệ số nhiệt độ thấp hơn. Điều này giúp tấm pin mặt trời IBC có thể hoạt động tốt ngay cả trong những khu vực có khí hậu nóng.

công nghệ IBC cell có hệ số nhiệt độ thấp

Tuy sở hữu những lợi thế về hiệu suất, mật độ năng lượng và hệ số nhiệt độ thấp nhưng tấm pin công nghệ IBC cell lại có chi phí sản xuất cao hơn do quy trình sản xuất phức tạp hơn. Tuy nhiên, dù mức đầu tư ban đầu cao hơn, nhưng theo thời gian, khả năng tiết kiệm đối với các tấm pin IBC sẽ lớn hơn. Vì vậy, các nhà đầu tư có thể cân nhắc để lựa chọn sản phẩm tốt nhất cho mình.

Trên đây là những thông tin chi tiết về công nghệ pin mặt trời IBC cell, hi vọng bạn đọc sẽ thích nó. Để cập nhật những tin tức mới nhất trong ngành năng lượng mặt trời, đừng quên theo dõi dienmattroivietnam.com để biết thêm thông tin chi tiết bạn nhé!